
BIÊN BẢN BÙ TRỪ CÔNG NỢ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
Biên bản bù trừ công nợ là biên bản được lập khi hai bên mua và bán có phát sinh các nghiệp vụ mua bán qua lại lẫn nhau và đồng ý cấn trừ công nợ. Biên bản này được lập trong trường hợp khi 2 đơn vị thực hiện giao dịch mua bán bất kỳ 1 loại hàng hóa nào cho nhau, mà chủ thể vừa là người bán đồng thời là người mua. Đây là căn cứ để giải trình với cơ quan thuế ở thời điểm sau này.
Để việc thanh toán bù trừ công nợ hợp lý và được khấu trừ thuế GTGT thì cần:
– Hợp đồng mua bán (quy định rõ trong hợp đồng về việc thanh toán bù trừ công nợ)
– Biên bản bù trừ công nợ 2 bên (Phải có xác nhận của 2 bên)
– Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Căn cứ pháp lý:
- khoản 10 điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định các trường hợp không dùng tiền mặt được khấu trừ thuế GTGT:
“a) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
b) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ.”
=> Nghĩa là:
- Các trường hợp mà doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ theo phương thức thanh toán bù trừ đã được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận của các bên tham gia vào việc thanh toán bù trừ để làm căn cứ khấu trừ thuế.
- Các trường hợp mà doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền, cấn trừ công nợ qua bên thứ 3 đã được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay tiền, chứng từ chuyển tiền từ bên vay sang bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền để làm căn cứ bù trừ thuế.
Như vậy, việc thanh toán bù trừ công nợ giữa các doanh nghiệp có thể được khấu trừ thuế GTGT.
- khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định các khoản được trừ khi tính thuế TNDN:
“Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”
=> Nghĩa là:
Các khoản chi thuộc nhóm sau sẽ được tính là chi phí hợp lý:
- Các khoản chi thực tế phát sinh có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Pháp luật.
- Các khoản chi có giá trị trên 20 triệu đồng thì phải thực hiện thanh toán qua Ngân hàng (cung cấp chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tóm lại, việc thanh toán bù trừ công nợ giữa các doanh nghiệp có thể được khấu trừ thuế GTGT và được coi là khoản chi phí hợp lý khi thực hiện tính thuế TNDN. Các điều kiện cần bao gồm:
- Doanh nghiệp cung cấp được hợp đồng mua bán có xác nhận bởi các bên tham gia, trong hợp đồng có quy định rõ về phương thức thanh toán bù trừ công nợ.
- Biên bản bù trừ công nợ của các bên, có xác nhận.
- Chứng từ thanh toán qua ngân hàng với khoản chi trên 20 triệu đồng.
Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hoặc cần tư vấn pháp luật thuế ttrực tiếp bởi Luật sư hoặc các chuyên viên pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi theo HOTLINE: (+84) 918 918 672 – Ls. Nguyễn Quang Thái – hoặc Zalo: 0918 918 672.