
CẦM CỐ TÀI SẢN KHÔNG CHÍNH CHỦ
Căn cứ theo Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Theo đó, tài sản là đối tượng cầm cố phải là tài sản thuộc sở hữu của bên cầm cố, trừ trường hợp chủ sở hữu tài sản ủy quyền cho người khác thực hiện cầm cố.
Cầm cố tài sản không chính chủ đúng luật là khi chủ sở hữu ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện cầm cố. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản ghi rõ nội dung bên nhân ủy quyền thay mặt bên cầm cố thực hiện thủ tục cầm cố tài sản. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực nên các bên có thể thỏa thuận viết tay, đánh máy trừ trường hợp tài sản cầm cố là giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Về hợp đồng cầm cố theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Hợp đồng bảo đảm có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc là điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Theo đó, hợp đồng cầm cố không bắt buộc phải lập hợp đồng mà nội dung cầm cố có thể thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc được nêu tại điều khoản của một hợp đồng khác về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
Hậu quả pháp lý nếu bên nhận cầm cố tài sản không chính chủ mà không có giấy ủy quyền:
Bên nhận cầm cố có thể bị phạt hành chính theo điểm l khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;” và buộc khắc phục hậu quả phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi cầm cố tài sản không chính chủ.
Hậu quả pháp lý nếu bên cầm cố tài sản không thuộc sở hữu của mình và không có giấy ủy quyền:
Bên cầm cố tài có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra còn có thể bị phạt tù theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản về hành vi:
“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Như vậy, khi cầm cố bắt buộc phải sử dụng tài sản thuộc sở hữu của bên cầm cố trường trừ hợp ủy quyền người khác thực hiện cầm cố. Hậu quả pháp lý khi cầm cố tài sản không chính chủ có thể bị phạt tiền, phạt tù tùy theo giá trị tài sản và tính chất mức độ.