
CHIA TÀI SẢN CHUNG KHI LY HÔN
Khi ly hôn ngoài chấm dứt quan hệ hôn nhân hai bên còn giải quyết các vấn đề về quyền và nghĩa vụ chung như về con chung, tài sản chung và nợ chung. Thông thường, tài sản chung luôn được quan tâm và phát sinh nhiều vấn đề nên bài viết sẽ phân tích chia tài sản chung khi ly hôn.
Theo quy định của pháp luật việc phân chia tài sản khi ly hôn sẽ do các bên quyết định có thể tự do thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Tùy vào từng trường hợp mà trình tự giải quyết có sự khác nhau:
- Trường hợp tự thỏa thuận:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”
Do đó, tài sản chung của vợ chồng sẽ do hai bên tự định đoạt trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do, thỏa thuận của các bên đối với tài sản mình chiếm hữu, sử dụng.

Và căn cứ tại Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”
Có thể thấy, nếu lựa chọn tự thỏa thuận phân chia tài sản khi ly hôn các bên chỉ cần thực hiện ký văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung sau khi ly hôn có công chứng hoặc chứng thực sẽ được pháp luật công nhận. Sau đó, thực hiện việc đăng ký, sang tên cá nhân đối với những tài sản bắt buộc phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Trường hợp yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận hoặc giải quyết:
Nếu hai bên thỏa thuận được việc phân chia tài sản thì có thể đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.”

Nếu hai bên không thể thỏa thuận được và có tranh chấp về việc phân chia tài sản chung thì một trong hai bên có quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.”

Thẩm quyền giải quyết tại Tòa án tùy thuộc vào từng trường hợp và đương sự thực hiện xác định Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân nơi có bất động sản giải quyết.
Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hoặc cần tư vấn pháp luật trực tiếp bởi Luật sư hoặc các chuyên viên pháp lý. Vui lòng liên hệ chúng tôi theo HOTLINE: (+84) 918 918 672 – Ls. Nguyễn Quang Thái – hoặc Zalo: 0918 918 672