
CÓ THỂ HUỶ BỎ HỢP ĐỒNG VÀ ĐÒI LẠI TIỀN ĐÃ TẠM ỨNG KHÔNG?
Câu hỏi: Công ty tôi có ký kết Hợp đồng mua bán gạo với công ty A và đã tạm ứng số tiền trị giá 50% giá trị Hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm giao hàng, công ty A không giao hàng và lần lượt xin gia hạn thời điểm giao hàng nhưng hàng vẫn không được giao. Trong trường hợp này, công ty tôi có được huỷ bỏ hợp đồng và đòi lại số tiền đã tạm ứng trên không?
Trả lời:
Có. Trong trường hợp này, bên bán đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng, đã được gia hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng không thực hiện. Do đó, Công ty bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán trả lại số tiền đã tạm ứng cũng như đòi bồi thường thiệt hại hợp đồng (nếu có).

Huỷ bỏ hợp đồng là một trong các biện pháp khắc phục được quy định theo luật khi phát sinh sự kiện vi phạm liên quan đến hợp đồng. Thông thường do một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng làm bên còn lại bãi bỏ việc thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng một phần hay toàn bộ tuỳ vào nội dung của hợp đồng. Tuy vậy, khi hợp đồng bị huỷ bỏ, một số điều khoản của hợp đồng tiếp tục có hiệu lực theo quy định của pháp luật như bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm và cơ quan giải quyết tranh chấp. Vì thế, nếu công ty A không hoàn trả tiền tạm ứng, bạn có thể khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp để đòi lại số tiền trên.
Theo quy định của Điều 312 Luật Thương mại 2005 để được áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng, cần đáp ứng được những điều kiện nhất định. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận trước trong Hợp đồng là điều kiện để hủy bỏ Hợp đồng.
Nếu xảy ra các trường hợp mà hai bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng thì bên bị vi phạm đương nhiên có quyền hủy bỏ hợp đồng.
- Thứ hai, một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ Hợp đồng.
Vi phạm cơ bản chính là sự vi phạm hợp đồng của một bên mà gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi xảy ra hành vi vi phạm là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng. Nếu thuộc trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm không được hủy hợp đồng.
Các trường hợp được miễn trách nhiệm trong hợp đồng:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của của bên kia.
Sau khi bị huỷ bỏ, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do mình đã thực hiện phần nghĩa vụ theo hợp đồng.
Ví dụ: Nếu các bên có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời. Chẳng hạn như hai bên ký hợp đồng mua bán hàng hóa, bên bán đã giao một phần hàng hóa, bên mua đã trả phần tiền tương ứng với phần hàng hóa đó. Khi hủy hợp đồng các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên bán hoàn lại tiền, bên mua hoàn lại hàng hóa. Nếu trong trường hợp bên mua không hoàn lại được hàng hóa thì phải có nghĩa vụ hoàn trả bằng tiền.
Bên cạnh đó, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.