ĐIỀU KIỆN, MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VÀ BẤT CẬP VỀ RÚT VỐN TRONG CÔNG TY TNHH 2 THÀNH VIÊN

ĐIỀU KIỆN, MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VÀ BẤT CẬP VỀ RÚT VỐN TRONG CÔNG TY TNHH 2 THÀNH VIÊN

ĐIỀU KIỆN, MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VÀ BẤT CẬP VỀ RÚT VỐN TRONG CÔNG TY TNHH 2 THÀNH VIÊN

Công ty TNHH hai thành viên là một loại hình công ty phổ biến trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam với nhiều ưu điểm về tổ chức, quản lý và cơ cấu vốn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh, vì nhiều lý do nên trong một số trường hợp các thành viên trong công ty muốn rút phần vốn góp của mình. Vậy pháp luật quy định điều kiện để thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên được rút vốn là gì? Những điểm mới và bất cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 về việc rút vốn trong Công ty TNHH hai thành viên?

  • Điều kiện để thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên được rút vốn

Quy định về rút vốn chỉ áp dụng đối với thành viên trong Công ty TNHH hai thành viên.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 về nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên quy định như sau:
“2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 51, 52, 53, 68 của Luật này”.

Như vậy, thành viên Công ty TNHH hai thành viên không được rút vốn đã góp khỏi công ty dưới mọi hình thức mà chỉ được rút vốn trong 04 trường hợp theo quy định pháp luật bao gồm:
– Mua lại phần vốn góp (Điều 51);
– Chuyển nhượng phần vốn góp (Điều 52);
– Xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 53);
– Tăng, giảm vốn điều lệ (Điều 68).
Tìm hiểu thêm tại Bài viết “Những trường hợp rút vốn trong Công ty TNHH 2 thành viên” https://thaiandpartner.com/nhung-truong-hop-rut-von-trong-cong-ty-tnhh-2-thanh-vien/

Có thể thấy rằng, thành viên góp vốn chỉ có thể rút vốn một cách gián tiếp thông qua các trường hợp mà pháp luật quy định, không thể trực tiếp và tự do rút vốn theo mong muốn dù là một phần hay toàn bộ phần vốn góp. Các quy định này thực chất là những quy định tạo điều kiện cho thành viên công ty có thể “gián tiếp” rút vốn ra khỏi công ty theo đúng pháp luật mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho các thành viên còn lại trong công ty.
Trên thực tế, các giải pháp này đều rất khó thực hiện vì muốn thực hiện thì phải đạt được sự đồng thuận của các thành viên cũng như thỏa mãn một số điều kiện của pháp luật (ví dụ, phải có kiểm toán để chứng minh rằng ngay sau khi hoàn trả phần vốn góp cho thành viên, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ cho các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác…).

Rút vốn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Một số điểm mới và bất cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 về việc rút vốn trong Công ty TNHH hai thành viên:

  • Một số điểm mới:

– Quy trình rút vốn: Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 đã đề ra quy trình rõ ràng và chi tiết hơn về việc rút vốn trong Công ty TNHH hai thành viên. Quy trình này bao gồm các bước cụ thể như thông báo, quyết định của cơ quan quản lý, thông báo cho các bên liên quan và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết.

– Bổ sung thêm hai trường hợp đặc biệt về xử lý phần vốn góp so với Luật Doanh nghiệp năm 2014 là trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.

  • Một số điểm bất cập:

– Việc cập nhật thông tin thành viên vào sổ đăng ký thành viên: Việc cập nhật này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập tư cách thành viên của người góp vốn, người nhận chuyển nhượng phần vốn góp mới chính thức trở thành thành viên công ty và có các quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên theo quy định tại Điều lệ công ty”. Vậy, trường hợp Điều lệ công ty không có quy định thì việc cập nhật sự thay đổi thành viên trong sổ đăng ký sẽ thực hiện như thế nào? Đây là một điểm còn bất cập, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên trong công ty khi không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện việc cập nhật sự thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định.

– Quy định về xử lý phần vốn góp khi có thành viên của công ty TNHH chết chưa thống nhất với các quy định về thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định: “Trường hợp phần vốn góp của thành viên là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”. Đối chiếu với các quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy chưa có sự thống nhất. Cụ thể, theo Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”. Như vậy, khoản 5 Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 không đề cập đến trường hợp người thừa kế không được quyền hưởng di sản thừa kế. Ngược lại, Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không đề cập đến trường hợp bị truất quyền thừa kế.

– Thiếu hướng dẫn về trách nhiệm và hậu quả pháp lý: Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 chưa điều chỉnh rõ về trách nhiệm và hậu quả pháp lý khi các thành viên rút vốn không đúng quy trình hoặc vi phạm quy định của pháp luật. Điều này có thể dẫn đến việc thiếu sự minh bạch và đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trong quá trình rút vốn.

– Xử lý xung đột chưa được quy định rõ ràng: Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 cũng chưa cung cấp hướng dẫn rõ ràng về việc xử lý khi có sự xung đột giữa hai thành viên trong quá trình rút vốn. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về cách giải quyết xung đột có thể tạo ra mâu thuẫn và tranh cãi, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

Việc rút vốn có thể ảnh hưởng đến hoạt động và cấu trúc sở hữu của Công ty TNHH hai thành viên. Do đó, trước khi quyết định rút vốn các thành viên trong Công ty cần cân nhắc xem xét kỹ lưỡng các điều kiện và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc rút vốn trong Công ty TNHH hai thành viên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế do Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi bổ sung năm 2022 chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu và thực tiễn của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cần có sự điều chỉnh và hoàn thiện hơn về các trường hợp rút vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững cho các Công ty TNHH hai thành viên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

shares