![ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU](https://thaiandpartner.com/wp-content/uploads/2023/12/0412.png)
ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU
Căn cứ khoản 6 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: “Công ty bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh.” Và theo 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”
Căn cứ Điều 28 Luật Thương mại 2005:
“1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
Do đó, có thể hiểu công ty xuất nhập khẩu là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh nhằm mục đích kinh doanh các hoạt động có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Để thành lập công ty xuất nhập khẩu cần đảm bảo các điều kiện sau:
- Về thương nhân:
– Thương nhân thành lập công ty xuất nhập khẩu có thể là cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hợp tác xã phải và có đăng ký kinh doanh.
– Thương nhân thành lập công ty xuất nhập khẩu có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Danh mục hàng hóa và lộ trình do Bộ Công Thương công bố, đồng thời thực hiện các quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Về hàng hóa xuất nhập khẩu:
– Hàng hóa xuất nhập khẩu mà công ty muốn đăng kí không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu; danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất nhập khẩu; danh mục hàng hóa không được quyền xuất nhập khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện tại phụ lục III Nghị định 69/2018/NĐ-CP phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp kèm theo trong hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp theo quy định khoản 1 Điều 4 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
– Đối với các hàng hóa thuộc diện phải qua kiểm dịch, đảm bảo quy chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm thì phải thông qua sự kiểm tra và chấp thuận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi xuất nhập khẩu;
- Về vốn thành lập:
Pháp luật không đặt ra điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu để đảm bảo công ty được thành lập, trừ trường hợp một số ngành nghề có quy định về vốn ký quỹ cũng như vốn pháp định.
Bên cạnh đó, công ty xuất nhập khẩu cũng cần đảm bảo các quy định chung về thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 về tên doanh nghiệp, tên chi nhánh văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh tại các điều 37, điều 38, điều 39, điều 40, điều 41.
Như vậy, điều kiện thành lập công ty xuất nhập khẩu quy trình, thủ tục sẽ giống như thành lập một doanh nghiệp bình thường. Tuy nhiên, công ty cần đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu phải có giấy phép, tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định về hoạt động xuất nhập khẩu.