
CẨN TRỌNG KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ – BÀI HỌC CHƯA BAO GIỜ LÀ CŨ
Hôm nay Blog Luật Văn phòng Luật sư Nguyễn Quang Thái và Cộng sự sẽ mang đến Quý độc giả một câu chuyện pháp lý mà theo đó chúng tôi đã trực tiếp thực hiện thành công gần đây.
Đầu tháng 08/2022 vừa qua, Luật sư Nguyễn Quang Thái của Văn phòng chúng tôi đã bảo vệ thành công cho bị đơn là một công ty đặt hàng gia công tại phiên tòa xét xử phúc thẩm liên quan đến vụ việc “Tranh chấp hợp đồng gia công” với nguyên đơn là một công ty gia công qua việc phiên xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tóm tắt vụ việc
Vụ việc xảy ra giữa hai công ty nêu trên liên quan đến việc ký kết hợp đồng gia công hàng hóa đề ngày 01/3/2020. Trong quá trình điều chỉnh hợp đồng mà cụ thể là sửa trang 4, trang 7 của hợp đồng, sau khi công ty bên bị đơn điều chỉnh và ký trước vào những trang điều chỉnh và gửi bản hợp đồng điều chỉnh đó cho công ty phía nguyên đơn, công ty phía nguyên đơn đã ký nhưng lại không đóng giáp lai toàn bộ hợp đồng. Vấn đề lớn mà công ty phía bị đơn phát hiện là khi bản hợp đồng được ký hoàn chỉnh đơn giá gia công ghi trong hợp đồng này có sự điều chỉnh tăng gấp 10 lần, không giống như thỏa thuận ban đầu, cùng việc bổ sung một số điều khoản mà công ty phía bị đơn không đồng ý trước đó như ưu tiên công ty phía nguyên đơn là nhà thầu gia công hàng hoá chính, duy nhất, không xét ký hợp đồng với nhà thầu khác.

Quá trình yêu cầu công ty phía nguyên đơn phải điều chỉnh lại nội dung hợp đồng ở các điểm nêu trên được công ty phía bị đơn thực hiện ngay sau đó, thông qua đến gặp trực tiếp hoặc trao đổi bằng e-mail. Mặc dù vậy do hai bên chưa thống nhất cách thức điều chỉnh, sửa hợp đồng chính đã ký hay ký lại phụ lục cho nên bản hợp đồng mà bị đơn cho là chưa chính xác vẫn chưa có sự điều chỉnh phù hợp. Do đó, theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn từ ban đầu và cho đến quá trình xét xử phúc thẩm vẫn dựa trên thông tin sai sót từ bản hợp đồng gia công đã ký. Phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền gia công hàng hoá chưa thanh toán với đơn giá cao gấp 10 lần đơn giá ban đầu cùng các yêu cầu về phạt chậm trả tiền gia công hàng và bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đều dựa trên số tiền gia công chưa chính xác.
Nhận định của Viện kiểm sát:
Hai bên đương sự chỉ ký tên đầy đủ vào bản Hợp đồng 03/01/2020 một ngày duy nhất, công ty phía bị đơn không đóng dấu giáp lai trên từng trang hợp đồng mà chỉ ký trên trang 4 và trang 7 phụ lục hợp đồng, sau đó chuyển cho công ty phía nguyên đơn ký và chuyển lại cho bị đơn vào ngày 21/05/2020. Tại trang 6 của hợp đồng, đơn giá gia công đang thể hiện con số bất thường. Trong khi đó, tại Phụ lục đính kèm, trên trang 7 của Phụ lục hợp đồng (trang có chữ ký dấu mộc của các bên) lại thể hiện giá là giá cũ của hợp đồng năm 2019 là con số nhỏ hơn 10 lần.
Nhận định của Tòa án nhân dân:
Tòa án nhân dân xét xử phiên phúc thẩm cũng đồng quan điểm với Viện kiểm soát khi xem xét thấy sự không thống nhất giữa các trang có chữ ký con dấu đầy đủ và những trang khác và đưa ra nhận định đơn giá trong hợp đồng gia công có sự sai sót về giá hàng hoá gia công.
Đánh giá:
Có sự thay đổi trong nhận định của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân xét xử phúc thẩm là vì ở giai đoạn phúc thẩm, bị đơn đã cung cấp thêm các chứng cứ xác đáng chứng minh được yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa chính xác. Và dựa theo đó, nguyên đơn cũng đã tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện làm thay đổi bản án phúc thẩm so với bản án sơ thẩm rất nhiều. Việc rà soát, chứng minh và bảo vệ thành công bị đơn trong quá trình hòa giải cũng như xét xử phúc thẩm đã được Luật sư Nguyễn Quang Thái thực hiện và tư vấn sát sao cho bị đơn để tìm ra được các chứng cứ cần thiết và chính xác, cùng việc đưa ra luận cứ đủ sức thuyết phục để cung cấp và tranh luận tại Tòa.
Kết luận:
Qua vụ án kinh doanh – thương mại liên quan đến “Tranh chấp hợp đồng gia công” giữa hai công ty nêu trên có thể thấy rằng việc ký kết hợp đồng tuy đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để tránh sai sót. Các bước thủ tục ký kết thường là rà soát nội dung, ký, ký nháy/đóng giáp lai lên các trang và ký trang cuối, đóng dấu luôn phải được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ và được các bên rà soát, kiểm tra thật kỹ lưỡng trước khi thực hiện hợp đồng. Bài học pháp lý mà chúng tôi mang đến cho quý độc giả hôm nay là câu chuyện thực tế chúng tôi gặp phải và mong muốn các doanh nghiệp luôn cẩn trọng trong quá trình ký kết các văn bản, hợp đồng với đối tác để tránh những thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ đồng khi có tranh chấp sau này.