LÃI SUẤT CHO VAY THEO HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

LÃI SUẤT CHO VAY THEO HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

LÃI SUẤT CHO VAY THEO HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong hoạt động kinh doanh hoặc theo nhu cầu của từng cá nhân, tổ chức thường ngày, chúng ta đôi lúc sẽ gặp phải vấn đề cần tiền, vốn, tài sản để tiếp tục duy trì hoạt động hoặc đáp ứng một nhu cầu cấp thiết có liên quan nào đó. Khi đó xuất hiện hình thức đi vay và cho vay giữa các cá nhân, tổ chức với nhau hoặc giữa bên có nhu cầu cần tiền, vốn với các tổ chức tín dụng như ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính. Xuất phát từ nhu cầu của bên cần vay và khả năng của bên cho vay từ đó phát sinh ra giao dịch cho vay – đi vay ngắn hạn, trung-dài hạn. Bên có khả năng sẽ chuyển tiền, tài sản, vốn của mình cho bên có nhu cầu vay trong một khoảng thời gian và sau đó sẽ lấy lại tài sản, tiền gốc có kèm một khoản lợi nhuận tính bằng giá trị tài sản, tiền gốc nhân với lãi suất cho vay theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định pháp luật. 

Vậy lãi suất là gì? Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng một đơn vị vốn vay trong một đơn vị thời gian (1 tháng, 12 tháng, 24 tháng…). Hay nói cách khác, lãi suất là tỷ lệ % tính trên tiền vốn mà người đi vay phải trả để sử dụng một đơn vị vốn vay trong khoảng thời gian nhất định. Hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì có là phần tăng thêm được tính theo công thức như trên so với giá trị tiền vay ban đầu được cho là lợi nhuận mà bên cho vay được hưởng từ việc giao tài sản, tiền, vốn cho bên có nhu cầu sử dụng. 

Về khái niệm, cần phân biệt lãi suất và tiền lãi. Lãi suất được tính theo tỷ lệ % trong khi tiền lãi là số tiền sinh lời mà chủ sở hữu nhận được. Ở ví dụ dưới đây, 7% là lãi suất, số tiền lãi là 7 triệu đồng.

Ví dụ: Bên A cho Bên B vay 100 triệu đồng trong vòng 12 tháng, lãi suất là 7%/năm, có nghĩa là khi đáo hạn, Bên A sẽ được nhận số tiền lãi bằng 7% của số tiền đã gửi = 7 triệu đồng. 

1. Nếu như việc cho vay là một hoạt động có sinh lời thì chủ sở hữu tài sản khi cho vay có quyền áp đặt lợi nhuận, tiền lãi hay lãi suất như ý mình muốn hay không? Câu trả lời là không, bởi tránh tình trạng cho vay lãi suất quá cao, ép buộc người đang cần vốn vay bằng bất cứ giá nào cũng phải vay với lãi suất trên trời, pháp luật đã quy định mức tối đa mà bên cho vay trong bất kể các hoạt động cho vay tài sản nào cũng phải áp dụng như sau:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy, các bên trong giao dịch cho vay có thể tự thỏa thuận về lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất này không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Quy định này tạo ra việc áp dụng luật thống nhất cho các Tòa án trong công tác xét xử và đồng thời với một quy định rõ ràng, dễ hiểu cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân đọc, hiểu và thực hiện theo.

2. Một điểm bổ sung hết sức cần thiết của Bộ luật dân sự năm 2015 so với Bộ luật dân sự cũ là đã quy định cụ thể cách thức giải quyết trong trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá giới hạn lãi suất luật định, theo đó, trường họp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Ví dụ: A và B thỏa thuận lãi suất 25% /năm đối với khoản tiền vay là 100.000.000 đồng trong thời gian 2 năm. Trường hợp này các bên đã thỏa thuận vượt quá lãi suất theo luật định, do đó, phần vượt quá là 5% không có hiệu lực. Mức lãi suất để tính lãi trong trường hợp này là 20%/năm.

3. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự tại thời điểm trả nợ. Tức là mức lãi suất áp dụng chung cho trường hợp này là 10%/năm. Cụ thể, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

“Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Mục đích của quy định về lãi suất nhằm hạn chế việc cho vay nặng lãi, ngăn chặn việc bên cho vay lợi dụng tình trạng khó khăn của bên vay là đưa ra một mức lãi suất không thỏa đáng.

4. Hợp đồng vay tài sản gồm hợp đồng vay có lãi và hợp đồng vay không có lãi. Việc trả lãi theo hợp đồng chỉ đặt ra đối với hợp đồng vay có lãi. Tuy nhiên, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi theo quy định tại khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:

“Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Ví dụ: A cho B vay 50 triệu đồng trong thời gian 2 năm. Đến hạn trả nợ, B chỉ trả được cho A 30 triệu, số tiền còn lại 3 tháng sau B mới trả đủ. Trong trường hợp này, B chậm trả cho A 20 triệu trong thời gian 3 tháng, vậy số tiền lãi B phải trả cho A là: 20 triệu x (10% : 12) x 3 = 500.000 đồng.

5. Lãi suất trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả

Căn cứ khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

“a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

+ Đối với lãi trong hạn:

Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả. Đối với lãi trong hạn, bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc theo đúng lãi suất mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng (thỏa thuận lãi suất đúng quy định) vay tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn bên vay chưa trả. 

Trường hợp nếu bên vay chậm trả thì họ còn phải trả lãi theo mức lãi suất là 10%/năm. Thực chất đây là trường hợp bên vay trả quá hạn đối với số tiền lãi trong hạn, bên vay phải trả tiền tiền lãi đối với số tiền lãi chậm trả trong hạn với lãi suất 10%/nãm tương ứng với thời gian vay. Công thức tính = Tiền lãi trong hạn chưa trả x 10%/năm x thời gian chậm trả.

+ Đối với lãi quá hạn:

Thời điểm chuyển sang nợ quá hạn tính từ ngày tiếp theo ngay sau ngày đến kỳ hạn trả nợ ghi trên hợp đồng; với trường hợp hợp đồng không có kỳ hạn thì là thời điểm trả nợ khi các bên thông báo cho nhau biết trước thời điểm trả nợ. Thời gian chậm trả là khoảng thời gian tính từ ngày tiếp theo sau ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả tiền ghi trong hợp đồng hoặc tiếp theo sau ngày hết hạn của thời gian được gia hạn nợ nếu người vay vẫn chưa trả hết nợ đến ngày xét xử sơ thẩm.

Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đây là trường hợp đến hạn trả nợ nhưng bên vay không trả đúng hạn cho bên cho vay. Trường hợp này, bên vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả băngng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả. Công thức tính lãi trên nợ gốc quá hạn = Nợ gốc chưa trả x 150% x Lãi suất theo hợp đồng x thời gian chậm trả.

Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Nguyễn Quang Thái và Cộng sự đối với vấn đề lãi suất của hợp đồng vay tài sản. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua đầu số Hotline (+84) 918 918 672 – Ls. Nguyễn Quang Thái – hoặc Zalo: 0918 918 672.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

shares