
LỪA DỐI TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ LÀ GÌ?
Căn cứ theo Điều 127, Bộ luật dân sự năm 2015, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Trên thực tế chúng ta có thể bắt gặp nhiều hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự chẳng hạn như A bán cho B lô đất quy hoạch làm công viên nhưng lại nói quy hoạch đất ở và có thể xây dựng, cất nhà, mua bán được. Nhưng sau khi mua lô đất trên, B biết được Nhà nước sẽ dùng làm công viên nên sẽ bị thu hồi đất trong nay mai nên hạn chế xây cất nhà, thay đổi hiện trạng khu đất và bán lại thì sẽ bị lỗ.
Ví dụ trên cho thấy có vô vàn tình huống mà chúng ta bị rơi vào thế bị lừa dối, trước một giao dịch nào đó mà sau khi tham gia người bị thiệt hại sẽ là chúng ta, bên bị lừa dối. Cụ thể, có thể là lừa dối về khả năng thực hiện giao dịch, điều kiện về tài sản, về chuyên môn, về kinh nghiệm của chủ thể giao dịch, đối tượng giao dịch không đạt tiêu chuẩn chất lượng, hình thức, giá trị, số lượng, phạm vi công việc. Sự lừa dối có thể đến từ một bên của giao dịch hoặc người thứ ba khiến cho một bên của giao dịch sẽ hình dung sai về đối tượng xác lập, gây thiệt hại cho bên bị lừa dối.
Hậu quả pháp lý của hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự?
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Nếu như xuất hiện yếu tố không tự nguyện nói chung và hành vi lừa dối trong xác lập giao dịch dân sự nói riêng, giao dịch dân sự sẽ không có hiệu lực. Cụ thể hóa vấn đề này, Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”

Như vậy, trong trường hợp có sự lừa dối trong giao dịch dân sự, các bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch được xác lập đó là giao dịch vô hiệu và sẽ phát sinh những hậu quả pháp lý cụ thể như sau:
(i) Giao dịch dân sự sẽ không phát sinh hiệu lực;
(ii) Các bên khôi phục lại trạng thái trước khi xác lập giao dịch, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận;
(iii) Bên có lỗi, cụ thể ở đây là bên có hành vi lừa dối sẽ phải bồi thường cho bên bị lừa dối.
Nếu bạn còn có thắc mắc liên quan đến chủ đề này, vui lòng liên hệ công ty chúng tôi theo HOTLINE: (+84) 918 918 672 – Ls. Nguyễn Quang Thái – hoặc Zalo: 0918 918 672.
Rất mong nhận được sự hợp tác của Quý khách hàng!