![MỨC PHẠT KHI HẾT THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG KHÔNG THỰC HIỆN THỦ TỤC GIẢI THỂ](https://thaiandpartner.com/wp-content/uploads/2023/10/2310.png)
MỨC PHẠT KHI HẾT THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG KHÔNG THỰC HIỆN THỦ TỤC GIẢI THỂ
Kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn là một trong các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp được quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo ý chí của chủ sở hữu doanh nghiệp về mục tiêu, hoạch định trong một thời gian nhất định để hoàn thành mục tiêu đó mà khi thực hiện thành lập công ty thời hạn được xác định cụ thể trong Điều lệ công ty. Nếu hết hạn hoạt động ghi trong quyết định thành lập mà không xin gia hạn thì công ty sẽ phải giải thể.
Trường hợp đã hết thời hạn hoạt động trong Điều lệ công ty mà doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện thủ tục giải thể thì sẽ bị xử phạt theo Điều 58 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư:
“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Không thực hiện thủ tục giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Không thực hiện thủ tục giải thể khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
– Không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp.
(2) Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
– Buộc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.”
Do đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện thủ tục giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn thì doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khi có quyết định giải thể thì doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động như:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản;
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
- Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
- Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
- Huy động vốn dưới mọi hình thức.