
NHỮNG LƯU Ý KHI THAM GIA BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Trong thời gian gần đây, việc tham gia bảo hiểm đã trở thành một nỗi lo khi người dân tham gia chưa hiểu hết được bản chất hay những quy định, điều khoản có trong hợp đồng. Mặc dù, người tham gia đã đọc những quy định có trong hợp đồng nhưng vì thông tin quá nhiều và hợp đồng sử dụng thuật ngữ bảo hiểm nên họ không thể hiểu hoặc hiểu đúng, cùng những lời tư vấn của nhân viên bảo hiểm về việc tham gia bảo hiểm có thể “sinh lời” mà tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Từ đây, xuất phát những tình huống mà người tham gia bảo hiểm nhân thọ không lường trước được về những nội dung có trong hợp đồng và họ phải chấp nhận với các điều khoản hợp đồng đã nêu mà mình đã đặt bút ký. Việc này cũng đồng nghĩa họ đã đồng ý với những gì có trong hợp đồng và khi có tranh chấp, khiếu nại sẽ căn cứ chủ yếu vào hợp đồng mà thực hiện.

Chính vì thế, trước khi tham gia bảo hiểm nhân thọ và ký kết hợp đồng cần chú ý những nội dung quan trọng sau:
Theo khoản 13 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định: “Bảo hiểm nhân thọ là loại bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.”
Và khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.”
Như vậy, việc tham gia bảo hiểm là sự thỏa thuận của các bên về những nội dung có trong hợp đồng bảo hiểm nên người tham gia cần chú ý đến các nội dung quan trọng của hợp đồng bảo hiểm để tránh rủi ro hay gặp những vấn đề pháp lý.
Về nội dung của hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022:
“Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
b) Đối tượng bảo hiểm;
c) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
d) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
đ) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
e) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
h) Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
i) Phương thức giải quyết tranh chấp.”
Trước khi chấp nhận thỏa thuận và ký kết hợp dồng bảo hiểm thì bên tham gia cần lưu ý đọc kỹ những điều khoản quy định trên để tránh trường hợp bản thân tin vào những lời tư vấn mà không hiểu rõ được bản chất của hợp đồng phải gánh chịu những thiệt hại về thời gian, tiền của khi tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Bên cạnh đó, bên mua bảo hiểm còn có thời gian căn nhắc tham gia bảo hiểm theo Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022:
“Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.”
Thời gian 21 ngày chính là khoản thời gian người tham gia bảo hiểm nên tận dụng để tìm hiểu rõ hơn những quyền lợi quan trọng, cần thiết và suy xét kỹ hơn về hợp đồng mình đã ký kết tham gia. Từ đó, đưa ra quyết định có nên tiếp tục thực hiện hợp đồng tham gia bảo hiểm hay chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Nếu đã ký kết hợp đồng và đã qua thời gian 21 ngày căn nhắc mà phát hiện hợp đồng vi phạm pháp luật hoặc có những dấu hiệu sau thì hợp đồng vô hiệu theo khoản 1 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022:
“Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
d) Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
đ) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;
e) Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
g) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;
h) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này;
i) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;
k) Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
l) Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 của Luật này.”
Hậu quả của hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là hợp đồng sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu có yếu tố lỗi thì bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Một số trường hợp có thể bị xử phạt hành chính trong hoạt động bảo hiểm:
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 48/2018/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, còn có thể bị xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
* Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2019/NĐ-CP.
Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hoặc cần tư vấn pháp luật trực tiếp bởi Luật sư hoặc các chuyên viên pháp lý. Vui lòng liên hệ chúng tôi theo HOTLINE: (+84) 918 918 672 – Ls. Nguyễn Quang Thái – hoặc Zalo: 0918 918 672