
QUY ĐỊNH CẤM KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ TỪ 01/01/2021
Hiện nay, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, tại Luật Sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành,nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 03/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 quy định:
PHỤ LỤC 4
DANH MỤC NGÀNH, NGHỀ
ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN
(Ban hành kèm theo
Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành,
nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư)
STT | NGÀNH, NGHỀ |
1. | Sản xuất con dấu |
2. | Kinh doanh công cụ hỗ trợ (bao gồm cả sửa chữa) |
3. | Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo nổ |
4. | Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị |
5. | Kinh doanh súng bắn sơn |
6. | Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng |
7. | Kinh doanh dịch vụ cầm đồ |
8. | Kinh doanh dịch vụ xoa bóp |
9. | Kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên |
10. | Kinh doanh dịch vụ đòi nợ |
…….. | ……………………. |
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được quy định cụ thể tại “mục 10-Phụ lục 4 Ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong số những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh của pháp luật hiện hành, không bao có quy định cấm dịch vụ đòi nợ, cụ thể:
Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 quy định gồm có 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh:
Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Luật Sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành,nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 03/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 quy định:
1. Bổ sung điểm g vào khoản 1 Điều 6 như sau:
“g) Kinh doanh pháo nổ.”;
Như vậy,hiện nay có 7 ngành nghề pháp luật cấm kinh doanh gồm:
– Kinh doanh các chất ma túy;
– Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật;
– Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm;
– Kinh doanh mại dâm;
– Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
– Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
– Kinh doanh pháo nổ.
Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 06 năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định bổ sung thêm ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh:
Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Chính vì thế, những Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ đã ký kết trước ngày Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ giúp giải quyết tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các hình thức cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen,…. gây mất an ninh trật tự, an toàn trong xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu cho xã hội.