
QUYỀN KIỆN ĐÒI LẠI TÀI SẢN
Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu tài sản của đương sự do đó kiện đòi lại tài sản là một trong các phương thức bảo vệ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 166 BLDS năm 2015, quyền đòi lại tài sản là:
“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu; Người sử dụng tài sản; Người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”
Trong các trường hợp tài sản của chủ sở hữu đang do người khác chiếm hữu mà chủ sở hữu không thể định đoạt, quyết định được; thì chủ sở hữu có quyền kiện để yêu cầu người đang thực tế chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cho mình.
Ví dụ: Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất
Ông N và Bà T đã kết hôn năm 1963 và có 1 căn nhà toạ lạc tại thôn B, thị xã X với diện tích là 1.490 m2. Trên mảnh đất này có ngôi mộ của bố ông N. Do năm 1968, ông N thoát ly ra miền Bắc và bà T đã lấy chồng khác nên sau này vào năm 1975 khi ông N quay lại thì ông bà xin ly hôn. Việc xin ly hôn giữa 2 ông bà còn có tranh chấp về quyền sử dụng mảnh đất trên khi mà ông N muốn xây nhà thờ tổ trên một phần đất này bị bà T cản trở. Do đó, ông N kiện đòi quyền sử dụng đối với một phần của thửa đất của 2 ông bà.
Sau khi nghiên cứu vụ án và hồ sơ vụ việc, Toà án cấp sơ thẩm xử cho ông bà ly hôn và về tài sản, ông N được quyền sử dụng một phần đất trong khuôn viên thửa đất nói trên, phần đất này có ngôi mộ của bố ông N, có bản vẽ phân chia ranh giới do Toà án lập kèm theo bản án.

Không phải tất cả các trường hợp có thể kiện đòi lại tài sản thuộc sở hữu của mình hiện do người khác đang chiếm hữu. Chẳng hạn như ví dụ dưới đây:
Ví dụ: Kiện đòi tài sản theo hợp đồng vay và không tính lãi
Tháng 5/2020, do là chỗ anh em ruột với nhau và ông H có nhu cầu mượn tiền để kinh doanh nên ông H và ông T có lập hợp đồng vay tiền với nhau. Theo đó, ông H có vay tiền của ông T với số tiền là 650 triệu đồng, không có tính lãi, thời hạn để ông H. trả tiền cho ông T là 12 tháng kể từ ngày vay tiền.
Tuy nhiên, đến tháng 01/2021 thì ông T phát hiện mình bị bệnh ung thư, cần tiền để điều trị bệnh nên ông T đã yêu cầu ông H trả tiền trước hạn nhưng ông H không đồng ý. Từ đó giữa hai bên nảy sinh sinh tranh chấp, ông T đã khởi kiện ông H ra Tòa án để yêu cầu ông H trả số tiền đã vay.
Sau khi xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo, Tòa án đã ban hành thông báo trả lại đơn khởi kiện của ông T. với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tòa nêu lý do: “Hợp đồng vay tài sản giữa ông H và ông T được lập vào tháng 5/2020 là hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và không tính lãi nên ông T chỉ được khởi kiện yêu cầu ông H trả tiền trước kỳ hạn khi ông H đồng ý theo quy định tại khoản 1 Điều 470 của Bộ luật Dân sự 2015”.
Căn cứ theo Điều 470.1 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.“
Trong trường hợp người chiếm hữu; người sử dụng tài sản; người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật không ngay tình nhưng đã giao tài sản cho người thứ 3 thì người thứ 3 cũng phải có nghĩa vụ trả lại tài sản đó khi chủ sở hữu có yêu cầu hoàn trả.
Như vậy, khi tài sản rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp nằm ngoài ý chí của người chủ sở hữu thì những người đang thực tế chiếm hữu vật đều phải trả lại tài sản. Theo quy định tại Điều 581 Bộ luật dân sự 2015, ngoài việc trả lại tài sản, những người này còn phải:
“Điều 581. Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.”
Đối với trường hợp người thứ 3 ngay tình và giao dịch dân sự với người thứ 3 không vô hiệu, tại Điều 133.3 của Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.”
Trên đây bài viết liên quan đến pháp lý về Quyền kiện đòi lại tài sản. Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hoặc cần tư vấn pháp luật trực tiếp bởi Luật sư hoặc các chuyên viên pháp lý. Vui lòng liên hệ chúng tôi theo HOTLINE: (+84) 918 918 672 – Ls. Nguyễn Quang Thái – hoặc Zalo: 0918 918 672.