
ỦY QUYỀN BẰNG LỜI NÓI
Căn cứ theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Theo đó, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên trong đó bên nhận ủy quyền sẽ thay mặt, nhân danh bên ủy quyền thực hiện các công việc, hợp đồng, thỏa thuận cho bên ủy quyền với người thứ ba theo nội dung được ủy quyền và bên ủy quyền có thể phải trả thù lao cho bên nhận ủy quyền nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Và theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Do đó, hợp đồng ủy quyền là một giao dịch dân sự và hợp đồng phải đảm bảo hình thức được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Nên hợp đồng ủy quyền có thể được thể hiện bằng lời nói trừ trường hợp nếu luật quy định việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực.
Ngoài ra, nếu muốn hợp đồng ủy quyền bằng lời nói có hiệu lực phải đảm bảo các điều kiện như sau:
- Chủ thể giao kết hợp đồng ủy quyền bằng lời nói phải có đủ năng lực pháp luật dân sự, có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao kết dân sự được xác lập và hoàn toàn tự nguyện tham gia vào việc giao kết hợp đồng ủy quyền.
- Mục đích và nội dung của hợp đồng ủy quyền không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
Trường hợp bên được ủy quyền thực hiện ủy quyền cho người khác thì phải áp dụng theo quy định tại Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015: “1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.”
Do đó, nếu hợp đồng ủy quyền được thực hiện bằng lời nói thì việc ủy quyền lại chỉ có thể thực hiện bằng hình thức lời nói và phải đảm bảo các điều kiện như sau:
- Có sự đồng ý của bên ủy quyền ban đầu.
- Do sự kiện bất khả kháng mà không thể tiếp tục việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền theo hợp đồng ủy ban đầu nên ủy quyền lại cho người khác.
- Việc thực hiện ủy quyền lại thì không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
Như vậy, hợp đồng ủy quyền có thể xác lập bằng hình thức lời nói và có hiệu lực nếu đáp ứng các điều kiện của một giao dịch dân sự, trừ trường hợp luật có quy định về hình thức bắt buộc phải bằng văn bản. Việc ủy quyền bằng lời nói khi thực hiện ủy quyền lại cũng bằng hình thức lời nói như ban đầu.